(Dân trí) - Trước các vụ việc cháy nổ điện thoại trong thời gian qua, Apple đã công bố đổi sạc mới cho người dùng vì lỗi quá nóng và gây mất an toàn đến người dùng. Dân trí tổng hợp lại những lời khuyên để người dùng an toàn khi sử dụng di động.
Tuyệt đối không dùng điện thoại khi đang sạc
Có thể nói rằng, khá nhiều người dùng hiện nay vẫn sử dụng điện thoại trong lúc sạc pin và đây được đánh giá là một thói quen xấu và cần chấm dứt ngay.
Đầu tiên, thường khi hết pin bạn mới phải sạc lại và bạn cũng nên hiểu rằng, theo các kết quả nghiên cứu mới đây, khi nguồn pin xuống quá thấp, lượng bức xạ sẽ tăng lên rất nhiều lần, điều này sẽ gây tổn hại lớn đến sức khỏe, đặc biệt là trí não. Đó là lí do tại sao khi nghe điện thoại đang sạc hoặc pin cực yếu, ta lại có cảm giác nhức đầu hơn rất nhiều. Các chuyên gia cảnh báo rằng, người dùng không nên sử dụng điện thoại đang sạc gần các vùng nhạy cảm như não, tim….
Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể hiểu rằng, khi sử dụng trong lúc sạc đồng nghĩa với việc bắt pin của máy phải làm đến hai công việc, vừa sạc pin và xả pin ngay cùng lúc. Điều này sẽ nhanh khiến cho pin giảm tuổi thọ nhanh chóng đồng thời từ đó tạo ra những nguy hiểm khó lường.
Một trong những đặc điểm dễ nhận ra nhất trong khi vừa sạc vừa sử dụng là máy nóng lên nhanh chóng. Với việc nạp/xả liên tục, pin chính là tác nhân làm nóng máy và nếu không cẩn thận, khả năng nổ pin hay các thiết bị linh kiện, hoặc rò điện có thể xảy ra. Trên thế giới hiện cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp tai nạn khi dùng điện thoại đang sạc như vụ một cô gái Trung Quốc chết khi sử dụng iPhone 5 đang sạc hay một nạn nhân nam tại Thái Lan chết do điện giật khi đang sử dụng iPhone 4s. Tại Việt Nam, năm 2012 cũng đã có trường hợp tương tự tại Đà Nẵng khi một người đàn ông làm việc trong ngành Kiểm toán cũng bị nổ điện thoại khi đang sạc.
Theo nhận định của các chuyên gia, hầu hết các nhà sản xuất điện thoại danh tiếng trên toàn cầu đều đã đề phòng rủi ro khi sạc pin và trường hợp tai nạn khi đang vừa sạc vừa sử dụng cũng rất thấp. Do đó, những sự việc trên có thể do nguyên nhân chúng tôi sẽ đề cập phía dưới.
Không mua pin không rõ nguồn gốc
Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ cháy nổ. Với những viên pin chính hãng, các nhà sản xuất đã nghiên cứu kĩ các vấn đề nghiêm trọng xảy ra và cháy nổ là một trong số đó. Mặc dù vẫn có cháy nổ xảy ra đối với những viên pin này nhưng rất ít. Tuy nhiên với pin trôi nổi, thường chúng được làm giả với công nghệ lạc hậu hay pin tái chế và không qua kiểm định chất lượng, do đó độ an toàn của chúng cũng giảm hẳn, thậm chí trở thành “bom nổ chậm” được cài sẵn vào smartphone mà người dùng không hề hay biết.
Trên thế giới cũng không hiếm các trường hợp tai nạn do nổ pin xảy ra. Năm 2007, một công nhân Trung Quốc tử vong sau khi điện thoại trên túi áo anh bị phát nổ. Cũng tại quốc gia này, năm 2013, một phụ nữ tên Li cũng đã suýt mù mắt khi chiếc iPhone 5 của mình bỗng dưng nóng lên rất nhanh và phát nổ, khiến mảnh vỡ bay thẳng vào mắt. Tại Đài Loan, một phụ nữ cũng đã “hết hồn” khi chiếc HTC One X nổ bất ngờ, dù chủ nhân không sao nhưng thiết bị đã bị hỏng nặng.
Mua sạc điện thoại đúng cách
Cục sạc iPhone chính hãng (trái) và hàng nhái không có sự khác biệt
Bên cạnh pin, sạc không rõ nguồn gốc cũng đang “làm mưa làm gió” trên thị trường di động hiện nay và nếu không cẩn thận, có thể tiền mất tật mang.
Biểu hiện của sạc “lậu” (kể cả pin) là khá rẻ hiện nay so với hàng chính hãng. Ngày nay, chỉ cần vài chục ngàn đồng là có thể mua được một cục sạc với vẻ bề ngoài không khác gì hàng chính hãng vốn có giá vài trăm ngàn đồng hay cả triệu đồng. Tuy nhiên, nếu mở ra bên trong, ta sẽ thấy sự “rẻ tiền” của nó lộ rõ với bộ chuyển đổi mạch điện thô sơ, IC “đểu” không rõ nguồn gốc có thể gây hại cho thiết bị của bạn bất cứ lúc nào.
Vì một nguyên nhân nào đó, nếu vì rẻ mà mua các thiết bị này về, may mắn thì thiết bị có thể không sạc được, hoặc nóng máy… còn nặng hơn, bạn có thể mất mạng do thiết bị nổ hoặc rò rỉ điện gây giật. Tháng 8/2013, một người đàn ông Anh cũng đã “choáng” khi sạc iPhone của anh bỗng dưng phát nổ. Hay vụ việc người đàn ông xấu số Thái Lan bị điện giật nói trên cũng đã minh chứng điều đó.
Do đó, lời khuyên được đưa ra là nên lựa chọn bộ sạc chính hãng cũng như sạc đúng cách. “Đúng” ở đây không phải đơn giản là cắm sạc vào thiết bị mà ta phải là nhiều điều hơn thế.
Đầu tiên, phải hiểu rõ nguyên tắc: thiết bị nào dùng bộ sạc nấy, tránh sử dụng sạc này cho thiết bị kia, sạc hãng này cho thiết bị hãng khác… sẽ rất dễ gây chai pin, chưa kể là tai nạn có thể xảy ra. Ngày nay, hầu hết smartphone thông thường đều hỗ trợ chuẩn microUSB và cũng có rất nhiều người dùng có thể vô tình hay cố ý làm điều này.
Tiếp đó là sạc theo thời gian khuyến cáo. Hiện người dùng rất hay có thói quen sạc điện thoại qua đêm và điều này không tốt chút nào. Tuy các nhà sản xuất đều đã tích hợp các mạch kiểm soát dòng điện trên bộ sạc nhưng vẫn không thể loại bỏ hoàn toàn các nguy cơ. Nên nhớ, vào năm 2013, một người đàn ông đã “chứng kiến” chiếc Galaxy S3 của mình bốc cháy khi sạc quá lâu.
Không cố gắng tự sửa chữa thiết bị
Với các người dùng trẻ tuổi, khá nhiều trong số đó “tự sửa chữa” bộ sạc hay dây cáp, thậm chí cả thiết bị của mình khi có hỏng hóc trong khi không am hiểu gì về điều này. Đây quả thực là một hành động hết sức nguy hiểm bởi bên cạnh việc biến “lợn lành thành lợn què”, nhiều trường hợp còn tự gây hại cho bản thân như chập điện, cháy nổ, điện giật, hỏng thiết bị… Do đó, lời khuyên được đưa ra là nếu hỏng hóc, hãy đưa thiết bị của mình đến các cửa hàng có uy tín.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét